NGỮ VĂN 11 | BỨC TRANH KHỞI NGHĨA CỦA NGƯỜI NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

Ngày 28/10/2021 15:40:38, lượt xem: 2560

Nhận xét về đoạn văn miêu tả nghĩa quân Cần Giuộc tiến công đồn lũy giặc Pháp trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh từng viết: “Có ai ngờ, trong một bài văn xuôi cổ mà chúng ta được thấy một bức tranh công đồn như thế, rất sinh động, rất hiện thực và ngất trời tráng khí…”. Bức tranh công đồn của các nghệ sĩ Cần Giuộc được miêu tả tập trung từ câu 11 đến câu 15: “Mười tám ban võ nghệ [...] trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ”.

 

 

Chúng ta ta đều biết, với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật bi tráng, bất tử về người nông dân trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Khi tạc nên bức tượng đài này, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng bút pháp hiện thực kết hợp trữ tình, rất tự nhiên, hài hòa. Trong những vẻ đẹp của tượng đài người nông dân nghĩa sĩ ấy, có lẽ phút xung trận này là đẹp nhất, người sáng nhất. Và cũng trong những dòng văn này, bút lực của tác giả được tập trung nhất, nổi bật nhất. Toàn bộ năm câu văn xuôi cổ bao gồm các từ ngữ nôm na, dân dã, không hề có điển cố, ước lệ. Rất nhiều động từ, tính từ đặc tả, mang tính tượng hình, tượng thanh mạnh mẽ, ngân vang (“giống trống kì trống giục”...). Ngôn ngữ, nhịp điệu văn chương như được bật lên từ cuộc chiến tranh đấu tràn đầy sinh lực và dũng khí của nghĩa quân. Trận công đồn ấy diễn ra mới mau lẹ, hối hả làm sao! Bao trùm lên ngôn từ, nhịp điệu là thủ pháp miêu tả tương phản. Các nghĩa sĩ vốn là những nông dân bình thường mà xung trận như những chiến binh thiện chiến. Những vật dụng bình thường trong tay họ đã biến thành những binh khí sắc bén. Sự tương phản còn được đẩy lên ở mức dữ dội hơn: bên kia, lũ ngoại xâm có đồn bốt, quân tướng, có vũ khí đủ đầy, hiện đại (nào nhà dạy đạo, nào quan hai, nào lính mã tà ma ní, tàu sắt tàu đồng súng nổ…). Bên này, quân ta thì võ nghệ, binh pháp chẳng được học tập, rèn luyện, quân trang, vũ khí chỉ là manh áo vải, ngọn tầm vông, rơm con cúi, lưỡi dao phay, nhưng ta vẫn xô cửa xông vào, để rồi đâm ngang, chém ngược vừa đánh vừa hè trước, ó sau vang rền khí thế tiến công, làm chủ trận địa, áp đảo quân thù, ngất trời tráng khí. Kết quả là “Hoa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ”. Mấy tiếng đốt xong, chém rớt vang lên thật hả hê, sảng khoái! Tuy cuối cùng cuộc nổi dậy của nghĩa quân Cần Giuộc bị đàn áp, thất bại, nhưng ta vẫn có thể coi đây là những thành quả mở đầu để chuẩn bị cho những chiến thắng giòn giã hơn sau này.

Có thể nói, cùng với nhịp điệu, ngôn từ, phép tương phản ở đoạn văn này đạt tới độ sung mãn, tạo ra hiệu quả thẩm mĩ rất ấn tượng về những cuộc hóa thân kì diệu, khiến hình tượng các nghĩa sĩ từ vẻ đẹp hiện thực sáng lên chất lãng mạn, tráng khí. Đấy là cuộc hóa thân từ người nông dân bình thường thành những chiến sĩ anh hùng tư thế hiên ngang, sức mạnh lay trời. Đó là cuộc hóa thân của những đồ vật bình thường, từ rơm con cúi, gậy tầm vông, lưỡi dao phay, vốn hiền lành gắn bó với con người trong cuộc sống lao động bình dị bỗng thành hỏa mai, thành dao tu, thành gươm sắc, thành những vũ khí linh nghiệm. Phải chăng, tiếng gọi của lịch sử, của truyền thống yêu nước, thương nhà bất khuất của dân tộc được tích tụ từ ngàn đời đã thổi hồn vào những vật dụng, đã đắp bồi, hun đúc ý chí và sức mạnh cho con người, để tạo ra những cuộc hóa thân ấy, khiến kẻ thù hồn xiêu, phách lạc? Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu không trực tiếp cầm quân đánh giặc, cũng chẳng được nhìn thấy nghĩa sĩ xung trận diệt thù, chẳng được nghe tiếng quân ta reo hò, lũ giặc la ó,... nhưng bức tranh công đồn của ông vẫn vô cùng chân thực, sống động và ngất trời tráng khí.

Đọc văn của nhà thơ khiếm thị cuối thế kỉ XIX, chúng ta nhớ tới những dòng văn của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Trãi thế kỉ XV: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc - Đánh hai trận, tan tác chim muông - Nổi gió to trút sạch lá khô - Thông tổ kiến phá toang đê vỡ” (Đại cáo bình Ngô).

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VĨ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ

 

Phải chăng chất “hùng văn” của Nguyễn Trãi đã vọng vào những câu văn của Đồ Chiểu? Hãy lắng nghe những âm vang ấy: “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt đồng súng nổ”.

Nguyễn Trãi từng trực tiếp cầm quân, mắt thấy rõ ánh gươm vung, mũi tên bắn, tai nghe rõ tiếng quân reo, ngựa hí,... Vậy mà khi miêu tả chiến trường, ông vẫn dùng ước lệ, ẩn dụ. Còn Nguyễn Đình Chiểu thì như chúng ta đã biết. Nhưng chất hùng ca trong văn Đồ Chiều chẳng thua kém chút nào áng “thiên cổ hùng văn” xưa, chất trữ tình, hiện thực lại có phần nổi trội hơn. “Hai bài văn, hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Hịch của Nguyễn Trãi (chữ dùng của tác giả Phạm Văn Đồng) là khúc ca khải hoàn ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang…”

Vậy đấy, khi viết về cuộc chiến đấu của các nghệ sĩ Cần Giuộc, ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu không chỉ “rất hiện thực, rất sinh động và ngất trời tráng khí” mà còn thấm đẫm cảm hứng trữ tình. Dường như khi cầm bút, nhà thơ yêu nước, thương dân đến quặn lòng này đã hóa thân vào hình tượng, nhỏ máu và nước mắt trên từng câu chữ. Viết văn tế các nghĩa sĩ Cần Giuộc đánh giặc, công đồn, cũng chính là dịp để ông thực hiện một trận đánh văn chương bằng vũ khí của riêng ông “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” đầy hào hứng, sảng khoái. Ông viết cho đồng bào, bà con làng thân thương, cũng là viết cho chính mình, giãi bày tâm can của chính mình: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia”.

Tấm gương sống và thác của các nghĩa sĩ Cần Giuộc, cũng như của Nguyễn Đình Chiểu, đã được lớp lớp người Việt Nam soi chung.

(Nguồn: Vũ Dương Quỹ - Lê Bảo)

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng ký khóa CODE VĂN: https://bit.ly/KHOACODEVAN2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan